TIN VẮN

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Bức tranh cổ hé lộ ca ghép chân cách đây 1.500 năm

Một nhóm nhà nghiên cứu Italy phát hiện bằng chứng sớm nhất về phẫu thuật cấy ghép chân ở bức tranh thế kỷ 14, cho thấy tham vọng của các bác sĩ cách đây hơn 1.500 năm.

Bức tranh cổ hé lộ ca ghép chân cách đây 1.500 năm


Được một họa sĩ tên Matteo di Pacino sáng tác, tác phẩm trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật North Carolina ở Raleigh, Mỹ, ra đời vào thế kỷ 14. Bức tranh minh họa câu chuyện một người đàn ông ở thế kỷ 5 mắc bệnh ở chân được chữa trị bằng cách cấy ghép.

"Những tài liệu lịch sử mô tả sự việc xảy ra năm 474 như phép màu", Seeker dẫn lời nhà nghiên cứu Antonio Perciaccante làm việc ở khoa nội của bệnh viện Gorizia, Italy.


Theo lịch sử, thánh Cosmas và Damian là hai bác sĩ cải sang đạo Cơ Đốc giáo, chữa bệnh tại tỉnh Syria thuộc Đế quốc La Mã. Họ cắt chân của bệnh nhân và thay bằng chiếc chân lành lặn lấy từ một người đàn ông Ethiopia đã qua đời. Sau đó, họ đặt chiếc chân cụt vào trong quan tài của người đàn ông Ethiopia.

Perciaccante và đồng nghiệp cẩn thận kiểm tra bức tranh và phát hiện chân bệnh nhân mắc một chứng bệnh kỳ lạ. "Chiếc chân cụt có vẻ sưng phù, mềm và thối rữa với một số thương tổn trên da. Dựa vào các đặc điểm này, chúng tôi suy đoán người đàn ông bị hoại tử chân phải do bệnh truyền nhiễm", các tác giả kết luận trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Vascular Surgery.

Theo một cuốn sách viết vào thế kỷ 18 về cuộc đời của các vị thánh, bệnh nhân nhiều khả năng là người trông giữ nhà thờ do hai vị thánh Cosmas và Damian bảo trợ.

Dù ca chữa trị có thành công hay không, câu chuyện minh họa trong bức tranh vẫn cho thấy các bác sĩ thời đó coi cắt bỏ là cách chữa trị tốt nhất đối với chứng hoại tử và khái niệm ghép tạng đã xuất hiện trong suy nghĩ của họ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các bác sĩ ở thế kỷ 5 có thể đã thử tiến hành cấy ghép cho chiếc chân cụt. Tuy nhiên, do không tương thích về mặt sinh học, chiếc chân cấy ghép bị cơ thể người nhận đào thải và nỗ lực của họ thất bại.

( Sưu tầm )

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Khám phá đế chế lớn nhất thế giới tại Campuchia

Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều thành trì cổ ở gần di tích Angkor Wat của Campuchia, theo tờ The Guardian. Cùng khám phá nhiều điều thú vị về nới này nhé!

Khám phá đế chế lớn nhất thế giới tại Campuchia

Nhờ vào công nghệ Lidar (khảo sát từ xa bằng các máy quét laser), nhóm nghiên cứu của chuyên gia người Úc Damian Evans đã phát hiện tàn tích của nhữngkhu nhà từ thời Trung cổ thuộc các tòa thành rộng lớn được xây dựng cách đây 900 - 1.400 năm. Một vài thành phố trong số đó có diện tích lớn ngang thủ đô Phnom Penh.


Kết quả công trình nghiên cứu này sẽ được công bố trên chuyên san Journal of Archaelogical Science vào ngày 13/6. Nếu những giả thuyết từ các khảo sát nói trên được xác nhận thì đây chính là đế chế lớn nhất thế giới vào thế kỷ 12.

Nhóm của ông Evans bắt đầu quá trình nghiên cứu cách đây nhiều năm nhưng những phát hiện mới cho thấy các tòa thành cổ rộng lớn hơn nhiều so với những gì các chuyên gia từng mường tượng.

Ông Evans cho biết: "Vào năm 2012, chúng tôi tìm thấy những thành cổ theo thời gian đã bị rừng rậm bao phủ hoàn toàn và không còn ai biết đến, như thành Preah Khan ở Kompong Svay và Mahendraparvata ở Phnom Kulen".

Chính nhờ những phát hiện vào năm 2012, nhóm chuyên gia đã xin được thêm nguồn tài trợ để tiếp tục tìm kiếm các khu vực rừng núi gần Ankor Wat.

Lần này, một chiếc trực thăng được gắn các thiết bị Lidar đã thu thập được kết quả không ngờ. Theo ông Evans, các nhà khảo cổ luôn cho rằng vào thời Trung cổ, các công trình kiến trúc nổi bật như Angkor Wat được bao quanh bởi một thành phố lớn. Nhờ công nghệ Lidar, họ đã kiểm chứng được nhận định này qua các hình ảnh "chi tiết đến không ngờ".

Ngay cả những di chỉ đã được phát hiện như Preah Khan (ảnh), Mahendraparvata, những hình ảnh mới cũng cho biết thêm nhiều điều. Ở Mahendraparvata, các chuyên gia nhận ra được vô số đền đài mới, các con đập, hồ nước, đường sá... Các phát hiện mới cũng có thể làm thay đổi nhiều giả thuyết trước đây về đế chế Khmer.

( Sưu tầm )

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Khám phá tổ ong 3.000 năm tuổi ở Israel

Các nhà khảo cổ học làm việc tại bắc Israel mới đây đã phát hiện ra những chứng tích sinh động của ngành công nghiệp nuôi ong cổ xưa bao gồm sáp ong, tảng ong và cái người ta gọi là “những tổ ong già nhất thế giới”.

Khám phá tổ ong 3.000 năm tuổi ở Israel



Được thực hiện trong đống đổ nát của thành phố Rehov, công trình khai quật làm lộ ra 30 tổ ong gần như nguyên vẹn có niên đại vào khoảng năm 900 trước Công nguyên - nhà khảo cổ Amihai Mazar thuộc trường ĐH Hebrew của Jerusalem tiết lộ với phóng viên AP.

Ông cho biết, đây là những chứng tích có một không hai cho thấy ngành công nghiệp nuôi ong đã tồn tại và phát triển cao trên “đất Thánh” vào thời kỳ Kinh thánh ra đời. Ngành nuôi trông này xem ra đóng vai trò khá quan trọng bởi mật ong có thể vừa dùng làm thuốc chữa bệnh, vừa làm thực phẩm bổ dưỡng, trong khi sáp ong dùng để đúc khuôn.


Mặc dù nuôi ong không phải là công việc hiếm thấy trong các tư liệu lịch sử nhưng trước nay chưa bao giờ người ta tìm thấy bằng chứng nói về nghề này ở Rehov.

Theo mô tả của giáo sư Mazar, những tổ ong nhân tạo được làm từ rơm và đất sét không nung, một đầu đục lỗ cho ong chui ra chui vào, đầu kia có nắp để người nuôi ong thò tay lấy tảng ong bên trong. Chúng được xếp ngay ngắn thành 3 hàng riêng biệt, trong một căn phòng rộng có sức chứa đến hàng trăm tổ ong như thế.

“Có thể khẳng định đây là một ngành nghề phát triển cao, năm trong tổng thể cấu trúc của một nền kinh tế được tổ chức rất chặt chẽ. Điều đáng nói là khi ấy, thành phố Rehov mới có khoảng 2.000 dân thuộc các chủng tộc khác nhau”.

Thêm một điều kỳ lạ nữa, nơi trú ngụ của hàng nghìn con ong tọa lạc ngay chính trung tâm thành phố - điều này chưa ai lý giải nổi.

( Sưu tầm )

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Nguồn gốc thú vị của thuật ngữ Bluetooth

Bluetooth có nguồn gốc từ đâu và cái tên của thuật ngữ này mang ý nghĩa gì? Câu hỏi này không ít người thắc mắc vậy hãy cùng tìm hiểu nhé!

Nguồn gốc thú vị của thuật ngữ Bluetooth

Bluetooth hiểu theo nghĩa nôm na trong tiếng Anh có nghĩa là "răng xanh".Nhưng thực tế, chức năng của công nghệ không dây phổ biến này lại không hề có sự liên quan nào đến màu xanh hay răng người cả. Chính xác thì nó được đặt theo tên của một nhân vật lịch sử.

Harald Bluetooth là vị vua người Viking của Đan Mạch giai đoạn từ năm 958-970. Vua Harald nổi tiếng với khả năng gắn kết mọi người. Ông là người có công lớn trong sự nghiệp thống nhất Đan Mạch và Na Uy, đồng thời cũng là người mang đạo Tin Lành vào đất nước Đan Mạch. Vì vậy mà người ta xem vua Harald là một biểu tượng của sự thống nhất.


Vào giữa những năm 1990, lĩnh vực truyền thông không dây cần sự thống nhất. Thời kỳ đó, nhiều công ty đã phát triển những tiêu chuẩn kết nối riêng của mình, nhưng giữa chúng lại không có sự tương hợp. Nhiều người nhận thấy sự phân mảnh này rõ ràng là một trở ngại đối với việc phát triển rộng rãi công nghệ không dây.

Một trong những người có suy nghĩ này là Jim Kardach, kỹ sư mảng công nghệ không dây của Intel. Kardach đã đóng vai trò là cầu nối trung gian, giúp thống nhất tiêu chuẩn của các công ty khác nhau để phát triển một tiêu chuẩn cho toàn ngành công nghiệp về kết nối vô tuyến tầm ngắn, năng lượng thấp.

Vào thời điểm đó, Kardach đã đọc được một cuốn sách về người Viking mà đặc trưng là triều đại của Vua Harald - người mà ông xem như là một biểu tượng lý tưởng để dung hòa những sự cạnh tranh. Ông giải thích: "Thuật ngữ Bluetooth được mượn từ thế kỷ thứ 10, theo tên vị vua thứ hai của Đan Mạch là Harald Bluetooth. Ông là người nổi tiếng với việc thống nhất Scandinavia, cũng như chúng ta đang muốn thống nhất ngành công nghiệp máy tính và di động trong lĩnh vực kết nối không dây tầm ngắn".


Những tổ chức, cá nhân đồng tình với quan điểm của Kardach cuối cùng đã liên kết với nhau để tạo thành nhóm Bluetooth Special Interest Group - tổ chức phát triển các thỏa thuận về tiêu chuẩn Bluetooth mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Ban đầu, cái tên Bluetooth chỉ được dùng tạm, ​​nhưng báo chí nhắc tới nó rộng rãi tới mức nó đã trở thành tên chính thức và duy trì cho đến ngày nay.

Một điều thú vị nữa là logo của Bluetooth với biểu tượng "bí ẩn" nằm trong một hình bầu dục màu xanh chính là tên viết tắt của Harald Bluetooth theo chữ Rune - một loại chữ viết xưa của các dân tộc Bắc Âu.

( Sưu tầm )

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Những điều thú vị về tháp đồng hồ Big Ben

Nếu có cơ hội được du lịch Anh Quốc vào thời gian tới thì Tháp đồng hồ Big Ben (nay đã được đổi tên thành Tháp Elizabeth) là điểm đến tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi điểm qua một số điều thú vị mà có thể bạn đã được đâu đó trong sách vở hoặc trên Internet về chiếc đồng hồ được xem là niềm tự hào của người dân ở xứ sở sương mù xem nhé!

Những điều thú vị về tháp đồng hồ Big Ben

1. Tháp đồng hồ Big Ben được xem là biểu tượng của nước Anh. Đây là tên thường gọi của tháp đồng hồ cung điện Westminster, trong đó, Big Ben là quả chuông lớn nhất (nặng khoảng 13,5 tấn) trong số 5 quả chuông của tòa tháp.


2. Tháng 06/2012, Big Ben đã chính thức được đổi tên thành Tháp Elizabeth để kỉ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, mọi người vẫn quen gọi là Big Ben.

3. Big Ben được bắt đầu xây dựng vào năm 1843 và hoàn thành vào năm 1859. Trước sự tấn công ác liệt của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, Big Ben vẫn trụ vững mặc dù có thiệt hại ở một mặt. Chính vì điều này mà đồng hồ được xem là biểu tượng chiến thắng của người Anh.

4. Tính đến hiện tại, Big Ben đã 157 tuổi, đổ chuông 15 phút/lần và phát ra những tiếng "bong" khi điểm đúng giờ.

5. Vào năm 2015, đồng hồ Big Ben được phát hiện chạy chậm 6 giây. Để khắc phục sự cố này, các kỹ sư đã điều chỉnh bằng cách thêm hoặc bớt những đồng xu để con lắc hoạt động chính xác.

6. Big Ben bị nghiêng về hướng Tây Bắc theo một góc 0,26 độ. Theo tính toán, phải mất khoảng 10.000 năm nữa thì Big Ben mới có độ nghiêng như tháp nghiêng Pisa của Italy.


7. Big Ben ngừng đổ chuông trong 2 năm khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất.

8. Bên trong tháp Big Ben không có thang máy. Do vậy, những người được phép vào bên trong Big Ben phải đi bộ trên một cầu thang cao 334 bậc.

9. Theo ước tính, nếu Big Ben được xây dựng vào thời điểm hiện nay thì chi phí sẽ vào khoảng 222.000 USD (tương đương khoảng gần 5 tỷ VNĐ).

10. 4 mặt của đồng hồ Big Ben được các chuyên gia lau dọn 5 năm/lần.

11. Tiếng chuông của đồng hồ Big Ben được dùng làm nhạc hiệu của đài BBC chính thức vào ngày 17/02/1924.

( Sưu tầm )
 
Back To Top
Copyright © 2014 birds will peck you. Designed by Big Birds